Chế độ NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN IF | Chiwon Place

Chế độ NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN IF

##featured https://66.media.tumblr.com/3f3088a5af7deceb01994450f0e08a5a/74a79fcb5c782ad2-df/s1280x1920/bfa185c37ddbc170462b1c2827aa14bfa0214db4.jpg##

Nếu được hỏi chế độ ăn phổ biến nhất Việt Nam gần đây là gì, thì câu trả lời chắc chắn là chế độ NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN (IF). Khách hàng của Chiwon cũng rất nhiều bạn đang theo chế độ này, và các bạn hay hỏi Chiwon là “Em đang theo IF nên có thể chuyển thời gian uống vitamin sang thời điểm khác được không?”. Bài viết này Chiwon sẽ giải đáp thắc mắc đó của mọi người, và cung câp thông tin chung về chế độ ăn đang rất được ưa chuộng này nhé ^^.

Xin lưu ý, đây là chế độ nhịn ăn GIÁN ĐOẠN, khác hoàn toàn với việc nhịn ăn một cách cực đoan để gầy nha. Không phải tự nhiên mà việc nhịn ăn khoa học lại là một phần của nhiều tôn giáo đâu ạ.

Dưới đây là 5 mô hình nhịn ăn gián đoạn phổ biến nhất, các bạn có thể chọn 1 mô hình phù hợp với thể trạng nhất để theo:

  • Chế độ 16/8: không ăn gì trong 16 tiếng, sau đó bắt đầu ăn trong 8 tiếng và cứ thế luân phiên liên tục. Trong 8 tiếng được phép ăn bạn có thể ăn 2, 3 hoặc nhiều bữa.
  • Chế độ 5/2: chế độ này bạn sẽ ăn bình thường trong 5 ngày, 2 ngày tiếp theo sẽ hạn chế lượng calo nạp vào chỉ ở 500–600.
  • Ăn - Dừng - Ăn: phương pháp này bạn sẽ nhịn ăn hoàn toàn trong 24 tiếng, thực hiện 1 – 2 lần/tuần.
  • Nhịn ăn luân phiên (ADF):  phương pháp này cũng là nhịn ăn hoàn toàn trong 24 tiếng, nhưng ngày hôm sau sẽ ăn bình thường và cứ xen kẽ liên tục như vậy.
  • Chế độ Warrior: đây là chế độ ăn gián đoạn phổ biến đầu tiên trên thế giới. Phương pháp này chúng ta sẽ ăn một lượng nhỏ trái cây và rau xanh trong ngày,sau đó sẽ ăn một bữa lớn vào buổi tối.

  • Trẻ em.
  • Sắp bầu, đang mang thai và cho con bú.
  • Rối loạn kì kinh.
  • Đang dùng một số loại thuốc chỉ định.
  • Bị tiểu đường.
  • Bị huyết áp thấp.
  • Gặp vấn đề về điều chỉnh lượng đường trong máu.
  • Thiếu cân.
  • Có tiền sử rối loạn ăn uống.

1.HỖ TRỢ GIẢM CÂN HIỆU QUẢ:

Phương pháp nhịn ăn gián đoạn cũng dựa vào nguyên lý huyền thoại “Calo nạp vào < Calo đốt cháy” như hầu hết các phương pháp ăn kiêng khác.

Khác nhau ở chỗ: bình thường chúng ta cần tập luyện thật nhiều để tăng lượng Calo được đốt cháy. Nhưng với chế độ IF, kể cả không tập cơ thể chúng ta vẫn có thể đốt mỡ.

Cụ thể thì thế này: khi chúng ta ăn uống, cơ thể sẽ sử dụng đường glucose trong thức ăn để tạo năng lượng hoạt động. Lượng đường dư thừa sẽ được dự trữ trong gan. Sau khoảng 8 tiếng không ăn, gan hết đường để đốt thì sẽ phải khai thác nguồn mới: mỡ. Tế bào mỡ di chuyển đến gan, và nó sẽ phân hủy thành các acid gọi là ketone. Ketone có thể được sử dụng tương tự như glucose để hoạt động.

2. CÓ LỢI CHO NÃO BỘ:

Nghiên cứu cho thấy rằng nhịn ăn gián đoạn có thể giúp nhận thức, trí nhớ và khả năng học hỏi tốt hơn.

Các nhà khoa học cho rằng nhịn ăn gián đoạn có thể thúc đẩy sản xuất một loại protein gọi là protein dinh dưỡng thần kinh từ não. Đồng thời tăng hormone não BDNF và có thể hỗ trợ sự phát triển của các tế bào thần kinh mới, bảo vệ sức khỏe não bộ.

Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu này còn ít và chủ yếu thực hiện trên động vật. Vì vậy, những lợi ích này chỉ để tham khảo chứ không phải một phương pháp chữa bệnh các bạn nha.

3. CÓ LỢI CHO TIM MẠCH:

Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cholesterol có hại và chất béo trung tính trong máu. Hơn nữa, để lượng mỡ có thể dễ dàng tiếp cận hơn, cơ thể sẽ tiết ít Insulin hơn, đồng thời tăng độ nhạy Insulin - tất cả các yếu tố này đều rất có lợi cho tim mạch.

4. NGĂN NGỪA TIỂU ĐƯỜNG:

Như Chiwon viết ở phần giảm cân, trong thời điểm nhịn ăn cơ thể sẽ phải dùng hết lượng đường dự trữ, sau đó sẽ tiếp cận đến mỡ để tạo năng lượng hoạt động. Như vậy, lượng đường trong máu sẽ không còn bị dư thừa nữa vì đã được cơ thể sử dụng. Hơn nữa, nhịn ăn gián đoạn có thể giúp tăng độ nhạy Insulin – loại hormone kiểm soát lượng đường trong máu – vì vậy rất có lợi để ngăn ngừa tiểu đường.

TUY NHIÊN, chúng mình cần lưu ý: IF có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường, chứ còn nếu đang bị tiểu đường thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện chế độ IF nha. Đặc biệt với những bạn đang dùng thuốc thì lại càng không nên thực hiện IF vì có thể làm lượng đường trong máu giảm quá mức (hạ đường huyết) dẫn đến run rẩy, thậm chí bất tỉnh.

5. SỬA CHỮA TẾ BÀO, TĂNG HORMONE TĂNG TRƯỞNG:

Từ thời tiền sử xa xưa, con người đâu có dồi dào thức ăn như bây giờ. Nhưng cũng chính vì thường xuyên trong tình trạng đói mà cơ thể đã kích hoạt  được các gen sinh tồn để chống lại bệnh tật. Đồng thời hormone tăng trưởng cũng tăng cao phục vụ cho quá trình tiến hóa.

Với lí do này, các nhà khoa học cho rằng chế độ IF sẽ giúp cơ thể có cơ hội để thực hiện các chức năng trên. Nghe cũng có vẻ có lí các bạn nhỉ ^^.

1.CẦN NHIỀU Ý CHÍ VÀ KỶ LUẬT:

Nhịn ăn là thử thách của ý chí. Có lẽ đây cũng là lý do việc nhịn ăn là một phần của rất nhiều tôn giáo. Thời gian đầu thực hiện chế độ IF cơ thể sẽ chưa quen, gây ra nhiều thay đổi khiến chúng ta dễ bỏ cuộc.

Hơn nữa, bạn nào mà có lịch trình thay đổi hàng ngày vì công việc, gia đình, thì việc duy trì lượng calo trong một khung thời gian nhất định có thể là một thách thức rất lớn đó ạ.

 2. ĂN UỐNG KHÔNG KHOA HỌC:

Nhiều bạn cho rằng thời gian được ăn trong chế độ IF cũng giống như cheat day, muốn ăn gì cũng được. Đây là quan điểm sai lầm, thậm chí sẽ gây tác dụng ngược, gây ra các hậu quả như tăng cân, thiếu hụt dinh dưỡng…

Ví dụ việc sau thời gian dài nhịn ăn, nếu lao vào ăn nhiều bánh, thực phẩm chứa nhiều carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao bất ngờ, gây ra hiện tượng tăng đường huyết.

Các bạn hãy nhớ: sau thời gian dài không ăn, chúng ta cần bổ sung DƯỠNG CHẤT chứ ko phải nhồi nhét cơ thể với những đồ ăn không mang lại giá trị gì. Chúng ta vẫn cần ăn uống lành mạnh. Mặc dù không quá khắt khe, nhưng nhất định không được để “mồm đi chơi xa” nha.

3. THAY ĐỔI TÂM TRẠNG, DỄ CÁU:

Phần lớn hormone vui vẻ được tạo ra trong ruột. Vì vậy, trong khoảng thời gian nhịn ăn, cái bụng không được lấp đầy có thể khiến tâm trạng chúng ta không được hạnh phúc vì hormone vui vẻ không được tiết ra. Dân gian gọi cảm xúc này là “cáu đói” đó ạ hehe.

Cáu kỉnh và lo lắng còn là những triệu chứng cổ điển của việc lượng đường trong máu thấp. Đây là phản ứng phổ biến của cơ thể khi nhịn ăn hoặc hạn chế calo. Hơn nữa, việc cáu kỉnh sẽ khiến cơ thể tăng cortisol, có thể khiến da dẻ tiết nhiều dầu hơn, dễ lên mụn, dễ tăng acid cơ thể.

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện khi cơ thể đã quen với chế độ ăn mới nha.

4. CÁC TD PHỤ KHÁC:

Thời gian đầu khi chúng ta chưa quen với chế độ IF, một số tình trạng có thể xảy ra như: đói lả, đau đầu, táo bón, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, não bộ hoạt động kém..v..v..

Tuy nhiên, các bạn không cần quá lo lắng vì như Chiwon nói ở trên, các tình trạng này sẽ được cải thiện dần khi cơ thể đã thích nghi với chế độ ăn mới.

Ý KIẾN CỦA CHIWON VỀ CHẾ ĐỘ IF

Đối với Chiwon thì IF cũng chỉ là một trong các chế độ ăn kiêng thôi (mặc dù thực tế mọi người nhìn nhận IF là một kiểu ăn uống chứ không phải chế độ ăn kiêng). Đây cũng có thể chỉ là xu hướng, và một thời gian nữa lại có chế độ ăn mới được tung hô.

Điểm tớ không thích ở tất cả các chế độ ăn kiêng là luôn đánh vào tâm lý “không cần tập” vẫn có thể giảm mỡ. Đôi khi chúng ta quá ỷ lại vào chế độ ăn mà quên mất việc vận động thể chất quan trọng cỡ nào với sức khỏe. Với Chiwon thì hoàn hảo nhất vẫn là ăn lành mạnh + tập tành điều độ.

Tuy nhiên, Chiwon lại cực kì đồng ý với chế độ IF ở quan điểm: cơ thể cần thời gian dài hơn 6 tiếng để xử lý hết đống thực phẩm mà chúng ta nạp vào. Hơn nữa, tiêu hóa sử dụng rất nhiều nguồn lực từ cơ thể, rất nhiều lưu lượng máu, rất nhiều enzyme. Vì vậy khi nhịn ăn trong khoảng thời gian hợp lý, đường tiêu hóa của chúng ta có thể nghỉ ngơi một chút, lại tiết kiệm được kha khá enzyme diệu kì. Có thể nói, trong số các chế độ ăn đã từng nổi tiếng, thì Chiwon thích nhất chế độ IF này.

Chiwon nghĩ bản thân cũng đã và đang thực hiện chế độ IF rồi, nhưng theo kiểu nửa mùa haha. Ý là tớ không làm chuẩn theo con số 16/8 hay 5/2, mà sẽ tự điều chỉnh thời gian ăn/ không ăn theo cường độ làm việc, tập luyện và sở thích của mìn. Kiểm soát cân nặng đối với tớ không khó, sửa chữa tế bào thì tớ cũng uống NMN quá tốt rồi. Quan trọng nhất vẫn là giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa và tiết kiệm enzyme cho cơ thể thôi.

Không có quy định cụ thể nào cho vấn đề này. Thế nên, Chiwon cung cấp thông tin để mọi người tự đưa ra lựa chọn cho bản thân nhé.

• Nếu muốn thực hiện chế độ IF một cách khắt khe để đạt được mục tiêu đã đề ra, thì tốt nhất không uống thêm bất cứ loại vitamin nào trong giai đoạn nhịn ăn.

Về cơ bản, việc không bổ sung bất cứ thứ kì ngoài nước lọc sẽ tạo nên một áp lực, buộc cơ thể phải kích hoạt trạng thái “sinh tồn” và từ đó cơ thể sẽ linh hoạt hơn. Còn nếu bổ sung vitamin trong giai đoạn này, cơ thể sẽ phần nào “dựa dẫm” và không cần phải cố gắng để thích nghi với tình trạng mới nữa.

• Nếu thực hiện chế độ IF chỉ vì muốn giảm áp lực lên hệ tiêu hóa như Chiwon thì vẫn có thể bổ sung một vài loại vitamin nhất định nha.

Sau khi đọc về chế độ NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN IF các bạn có thấy đây là chế độ ăn khoa học và phù hợp với bản thân không? Hãy cho Chiwon biết ý kiến nhé ^^.

30 May 2022